Ngày 14-12-2019 tại trường Đại Học Quốc Gia TP.HCM, công ty Worldsoft đã tham dự buổi hội thảo về “Vai trò của Đại Học trong việc triển khai thực hiện nghị quyết số 52-NQ/TW về Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4”. Hiện nay, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành nên chưa đồng bộ và hiệu quả.
Do đó, một trong những sứ mạng quan trọng của giáo dục Đại Học là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động và có khả năng chủ động thích nghi, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Trên cơ sở tổng hợp và phân tích yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực trong bối cách CMCN 4.0 và thực trạng chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, tham luận đề xuất các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực trình độ Đại Học trong bối cách CMCN 4.0 tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo ba mảng chính:
1) Đổi mới nội dung và chương trình đào tạo
2) Đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong dạy và học
3) Tăng cường sự kết nối, tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo đại học
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết để Việt Nam đạt mục tiêu mà Nghị quyết 52 đề ra, nhiệm vụ cốt lõi của các trường đại học vẫn là đào tạo những thế hệ tri thức có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại; nâng cao nhận thức của các trường đại học về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc CMCN 4.0; thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số thật sự minh bạch.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ việc đào tạo nhân lực trong các trường đại học phải hướng đến đào tạo một số hạt nhân, đào tạo lại cán bộ công chức, áp dụng 4.0 vào quản lý giáo dục và đào tạo phổ thông; tạo ra việc làm 4.0.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO Group cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy các trường đại học hợp tác doanh nghiệp để nghiên cứu ứng dụng đổi mới sáng tạo vào công nghệ cơ bản như: tự động hóa và robot tự hành, Internet vạn vật, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D, mô phỏng (simulation).
Các diễn giả cũng cho thấy: Đứng trước cuộc CMCN 4.0, các trường đại học Việt Nam đang gặp nhiều sức ép. Các trường thiếu về nguồn vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị; thách thức về định hướng đào tạo các ngành nghề của công nghệ số; thách thức về phương pháp đạo tạo và nhu cầu đào tạo của nhiều đối tượng khác nhau.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá trong bối cảnh CMCN 4.0, muốn phát triển mạnh và bền vững thì cần phải đột phá về chính sách, cơ chế. Trường đại học nên có một nền tảng đào tạo cốt lõi chuẩn, sau đó mới có thể thiết kế đào tạo theo ý khách hàng là các doanh nghiệp xoay quanh chương trình cốt lõi đó.
Các câu hỏi, hiến kế, tham luận của đại biểu gửi tới hội thảo sẽ được ĐHQG-HCM tập hợp, nghiên cứu và đề xuất kiến nghị tới các bộ ngành để rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với CMCN 4.0.
Tại hội nghị, Tổng Giám Đốc công ty Xelex và Worldsoft, ông Nguyễn Ái Hữu đã có bài tham luận về việc làm sao để góp phần chủ động đưa đất nước chúng ta hòa vào cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư qua việc tập hợp nhóm chuyên gia trẻ về kỹ thuật điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin… từ nước ngoài về Việt Nam cùng nhau nghiên cứu & thiết kế để sản xuất máy tính bảng cho Việt Nam. Nguyễn Ái Hữu:
Thưa quý vị đại biểu,
Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng Hội Thảo Khoa Học “Vai Trò Của Đại Học Trong Việc Triển Khai Thực Hiện Nghị Quyết Số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư” do Đại Học Quốc Gia – thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hôm nay. Hội thảo khoa học này rất đúng lúc và kịp thời!
Nghị Quyết Số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ rõ: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Thưa quý vị đại biểu,
Như chúng ta đều biết, hiện nay ở các nước nhất là ở những nước có nền công nghiệp tiên tiến, kỹ thuật Internet Vạn Vật (Internet of Things – IoT), robotics, mạng 5G, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, an ninh tính toán, blockchain… đang phát triển như vũ bão và đã được nhiều quốc gia ứng dụng để xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, thành phố thông minh…
Thưa quý vị đại biểu,
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định: cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng hoàn thiện thể chế cho phù hợp, cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn về thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, tránh mọi biểu hiện bàng quang, thiếu tự tin, thụ động nhưng không chủ quan nóng vội, duy ý chí. Đồng thời cũng khẳng định tầm nhìn và những mục tiêu cụ thể mà đất nước chúng ta có thể và cần phải đạt được từ nay đến năm 2045.
Thư quý vị đại biểu,
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam chúng ta phải làm gì?! Có rất nhiều việc cần phải làm! Tổng thể những việc cần phải làm và cách tổ chức thực hiện đã được nêu toàn diện và đầy đủ trong phần III và IV của nghị quyết số 52-NQ/TW.
Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên sâu về công nghệ thông tin đã dành nhiều công sức và thời gian để tiếp cận sự phát triển của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư trong những năm qua, chúng tôi đã hiểu, nắm bắt được những phát triển cụ thể của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư!
Để đưa đất nước chúng ta cùng lên con tàu của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư đòi hỏi chúng ta phải có con người có hiểu biết về sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay để tổ chức lãnh đạo, và phải có lực lượng khoa học công nghệ cao (cả con người và máy móc thiết bị) để thực hiện.
Thưa quý vị đại biểu,
Từ những xác định nói trên và ý thức về vai trò và trách nhiệm đóng góp của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; Để góp phần chủ động đưa đất nước chúng ta hòa vào cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã tập trung làm hai việc lớn sau đây:
1. Tập hợp nhóm chuyên gia trẻ về kỹ thuật điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin… từ nước ngoài về Việt Nam cùng nhau nghiên cứu & thiết kế để sản xuất máy tính bảng cho Việt Nam. Máy tính bảng là công cụ kỹ thuật đầu cuối chủ chốt để thực hiện việc kết nối với Internet Vạn Vật – IoT, thực hiện việc kết nối giữa con người với tổ chức trong điều hành và điều phối tất cả các hoạt động của Nhà nước, tổ chúc xã hội, doanh nghiệp và cá nhân. Chúng tôi đã thành công hoàn toàn trong việc thiết kế và sản xuất hai dòng máy tính bảng Xelex 7 và Xelex 10 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vào những ngày tháng cuối năm của năm 2019 chúng tôi đã hoàn tất việc sản xuất 500 máy tính bảng Xelex 7 và 200 máy tính bảng Xelex 10 tại nhà máy Z755 ở thành phố Hồ Chí Minh và đang chuẩn bị để sản xuất hàng loạt với số lượng lớn trong năm 2020. Các máy tính bảng Xelex 7 và Xelex 10 đã được Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam lấy mẫu để kiểm tra chất lượng và đã được đánh giá đạt chất lượng quốc tế như các sản phẩm máy tính bảng của Apple, Samsung, Asus … Ngoài ra máy tính bảng Xelex 7 và Xelex 10 cũng được Hiệp Hội Viễn Thông Quốc Tế GSMA sau quá trình kiểm tra xem xét đánh giá toàn diện đã cấp hai giấy chứng nhận độc quyền TAC: 35964110 cho máy tính bảng Xelex 7 và TAC: 35966410 cho máy tính bảng Xelex 10 vào ngày 20 tháng 7 năm 2019.
2. Đồng thời với việc thiết kế sản xuất máy tính bảng của Việt Nam – cho Việt Nam, chúng tôi cũng tập hợp đội ngũ kỹ sư phần mềm để xúc tiến việc xây dựng hệ thống các phần mềm & dịch vụ để người Việt Nam dễ dàng sử dụng.
Từ việc tiếp thu lời dạy của Bác Hồ:
“Nông dân ta giàu thì nước ta giàu
Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”
Chúng tôi đã tập trung hoàn thành việc xây dựng phần mềm Xelex Nông Nghiệp nhằm phục vụ yêu cầu phát triển bền vững kinh tế hộ nông dân, trang trại và hợp tác xã nông nghiệp.
Chúng tôi cũng đã xây dựng xong các hệ thống phần mềm quản trị trong nhiều lĩnh vực và đang nghiên cứu & phát triển các phần mềm phục vụ chính phủ điện tử, thành phố thông minh…
Thưa quý vị đại biểu,
Những thành quả đạt được bước đầu như đã nêu trên, có được từ một lực lượng nhỏ trí thức trẻ Việt Nam được tập hợp lại đã làm cho tôi tin rằng với đội ngũ cán bộ đông đảo gồm nhiều ngành có trình độ cao, có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân…của Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các trường đại học nói chung nếu được học tập nghiêm túc để nắm vững toàn bộ nội dung Nghị Quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và tổ chức khơi dậy một cao trào chủ động sáng tạo, hăng hái ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư, chắc chắn đất nước chúng ta sẽ vươn lên tầm cao của sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng!
Thưa quý vị đại biểu,
Ở phần trên tôi đã đề cập đến máy tính bảng và các loại phần mềm đó là những công cụ kỹ thuật phải có để sử dụng trong cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư; nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải có con người có hiểu biết sử dụng thành thạo các loại công cụ kỹ thuật đó để vừa đạt đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất và đạt được thành quả tốt nhất trong xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời có đủ khả năng tổ chức quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn, ngăn ngừa và đề phòng sự phá hoại của kẻ xấu, của các thế lực thù địch đối với đất nước chúng ta bằng cách lợi dụng các loại hình khoa học công nghệ cao. Để làm được điều đó tôi đề nghị Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh sớm biên tập một giáo trình giới thiệu các nội dung cơ bản về cuộc cách mạng lần thứ 4, về khoa học kỹ thuật – công nghệ thông tin – truyền thông để huấn luyện cho cán bộ các cấp trong bộ máy công quyền từ cao cấp đến trung và sơ cấp giúp họ hiểu biết để lãnh đạo và làm việc. Đồng thời tích cực khẩn trương tổ chức ngay việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về sử dụng các công cụ kỹ thuật công nghệ thông tin (biết sử dụng thành thạo máy tính bảng và các loại phần mềm) để làm việc trong phần trách nhiệm của mình kết hợp được với tất cả các hoạt động của Nhà nước, của tổ chức xã hội của doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Đại Học Quốc Gia TPHCM về việc này.
Thư quý vị đại biểu,
Vừa qua chúng tôi tiếp một tập đoàn của Nhật Bản họ đã đề nghị chúng tôi thực hiện một hợp đồng dịch vụ đào tạo cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao về công nghệ thông tin cho họ, mỗi tháng cần 200 người – một năm cần 2400 người. Họ thỏa thuận cung cấp tài chính và thiết bị kỹ thuật để làm việc này, nhưng chúng tôi chưa chấp nhận vì nghĩ rằng đây là lĩnh vực cần ưu tiên dành cho nhu cầu của đất nước. Vừa qua chúng tôi đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại Học Thông Tin Liên Lạc của Bộ Quốc Phòng và trường Đại Học Bách Khoa-Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh về việc phối hợp cùng tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin để cung cấp cho nhu cầu của đất nước chúng ta. Chúng tôi hoàn toàn có thể hợp tác với Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học khác để làm việc này .
Thư quý vị đại biểu,
Tôi cho rằng: nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm người lãnh đạo biết rõ về kỹ thuật công nghệ và chuyên viên kỹ thuật công nghệ chất lượng cao) và dụng cụ kỹ thuật công nghệ thông tin (máy tính bảng và các loại phần mềm) là nhu cầu cực kỳ quan trọng cần phải có để thực hiện thắng lợi Nghị Quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4.
Vào ngày 01 tháng 02 năm 2019 chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định này của chính phủ nếu được thực hiện nghiêm túc, tôi tin tưởng chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta để tiến hành hoạt động nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm đưa đất nước chúng ta lên con tàu của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ tư.
Xin chân thành cảm ơn Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để tôi phát biểu tham luận trong Hội Thảo Khoa Học hôm nay.
Xin chân thành cảm ơn