Việc phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) cực kỳ có ý nghĩa. Trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) cần thực hiện các giải pháp gia tăng số lượng doanh nghiệp CNTT thật nhanh. Trường hợp, số lượng doanh nghiệp (DN) CNTT gia tăng, thu hút số lao động làm việc gấp đôi hiện nay thì sẽ đóng góp được gần 10% GRDP của TP.HCM.
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) TP.HCM năm 2019 với chủ đề: “Nhận thức mới, thay đổi nhanh, sáng tạo đột phá” và trao giải thưởng công nghệ thông tin – truyền thông lần thứ 11 năm 2019, diễn ra ngày 28/12.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TP.HCM là nơi tạo ra 24% GDP, khoảng 28% tổng thu ngân sách, 18% quy mô sản xuất công nghiệp, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu so với cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP.HCM đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững.
Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển nhằm đảm bảo cho thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo ông Phong, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với các cải tiến liên tục về kết nối số, dữ liệu lớn, AI, Internet vạn vật chính là thời cơ để thành phố bắt tay vào xây dựng đô thị thông minh nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh của thành phố. Đây cũng là cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả 7 chương trình đột phá, nhằm giải quyết một cách căn cơ thách thức hiện nay và định hướng cho thành phố phát triển trong tương lai.
TP.HCM cũng xây dựng chương trình phát triển AI nhằm ứng dụng AI vào việc thực hiện nhanh các trụ cột của đô thị thông minh. Cùng với đó, việc xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo nên thị trường lớn, sân chơi lớn cho các doanh nghiệp CNTT có động lực phát triển, nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến. Đồng thời, cũng là một “làn gió mới” thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
“Ngày hội DN CNTT và AI là cơ hội để lãnh đạo thành phố và DN gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề thiết thực cần thực hiện cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức giải thưởng nhằm tạo động lực phấn đấu, phát triển không ngừng cho các bạn sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ái Hữu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Xelex – chia sẻ: Sau thời gian nghiên cứu điều kiện thực tế của nền nông nghiệp nước nhà, Công ty đã chính thức đưa dòng sản phẩm máy tính bảng Xelex cùng với đó là một hệ sinh thái các phần mềm và các dịch vụ nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam một công cụ rất cần thiết trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất.
Thông qua máy tính bảng Xelex, người nông dân sẽ nắm bắt được thông tin kịp thời về các chính sách của Đảng và Nhà nước, không những biết về giá cả mới nhất trong và ngoài nước về nguyên vật liệu như con giống trong chăn nuôi, trồng trọt… mà còn hiểu rõ hơn về giá cả và các tiêu chuẩn chất lượng của mỗi thị trường sẽ tiêu thụ, qua đó tránh được tình trạng được mùa mất giá.
“Sự ra đời của máy tính bảng Xelex là bước tiến mới của không chỉ công ty chúng tôi mà còn khẳng định về lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Với việc làm chủ các thiết kế phần cứng, các phần mềm hệ thống và các phần mềm ứng dụng và các dịch vụ có chất lượng, tôi hy vọng sẽ mang đến món quà ý nghĩa cho bà con nông dân. Hy vọng sản phẩm máy tính bảng Xelex sẽ hỗ trợ đắc lực cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất canh tác giữa những cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay. Thông qua máy tính bảng Xelex, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ mang đến những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đủ sức cạnh tranh và được các nước phát triển” ông Hữu chia sẻ thêm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TP.HCM là địa phương đi đầu, rất sớm trong cả nước về phát triển CNTT. Toàn thành phố có khoảng 100.000 lao động làm việc trong 5.600 doanh nghiệp CNTT. Tuy nhiên, năng suất lao động của CNTT-TT hiện gấp gần 2 lần năng suất chung của toàn thành phố. Hiện nay, CNTT-TT đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa thành phố là 4,44%, gần trở thành ngành kinh tế chủ lực .
Theo ông Nhân, việc phát triển doanh nghiệp CNTT là cực kỳ có ý nghĩa, trong thời gian tới, UBND TP.HCM cần thực hiện các giải pháp gia tăng số lượng doanh nghiệp CNTT-TT thật nhanh. Trường hợp, số lượng doanh nghiệp CNTT gia tăng, thu hút số lao động làm việc gấp đôi hiện nay thì sẽ đóng góp được gần 10% GRDP của TP.HCM.
“TP.HCM định hướng tập trung đào tạo nhân lực CNTT-TT trình độ quốc tế. Đồng thời bày tỏ, TP.HCM xác định sự đóng góp quan trọng của các ngành gắn với khoa học – công nghệ đối với kinh tế thành phố và hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Nơi đây sẽ có khu vực rộng khoảng 200ha để thử nghiệm các công nghệ mới chưa được lưu hình chính thức”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Dịp này, UBND TP.HCM trao giải thưởng CNTT-TT năm 2019 (lần thứ 11) cho 23 cá nhân, tổ chức, vào 6 nhóm (DN có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; DN có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; DN cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; Đơn vị có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu; Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố và Nhóm sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc).
Hoàng Tỷ (Theo Báo Công Thương)